Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra với những nhịp rung lắc mạnh. Áp lực bán gia tăng tại các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí. Ở chiều ngược lại, dòng tiền tiếp tục "xoay tua" sang các cổ phiếu ngân hàng.

Các nhóm cổ phiếu tăng "nóng" thời gian qua đã giảm sàn "trắng bên mua" như Bất động sản, xây dựng (ASM, BCE, CII, DIG, DRH, DXG, FCN, HBC, HDC, IJC, ITA, NBB, QCG, NLG, VNE, VPH, DPG, L14...hay các cổ phiếu "họ Sông Đà"); Nhóm Chứng khoán cũng giảm mạnh, dù vậy chỉ lác đác một vài mã giảm sàn như APS, BSI. Tương tự, nhóm dầu khí cũng bị bán mạnh với nhiều mã giảm sâu, trong đó có những mã giảm sàn như CNG, PVD, PGC, PXS,…

Thống kê trên HoSE, 15 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index có sự đóng góp lớn từ nhóm ngân hàng, có thể kể tới CTG (+2,09 điểm), VCB (+1,61 điểm), BID (+1,18 điểm), VIB (+1,07 điểm), HDB (+1,07 điểm), TPB (+0,9 điểm), MBB (+0,87 điểm), TCB (+0,72 điểm), MSB (+0,64 điểm), SHB (+0,58 điểm), VPB (+0,57 điểm), ACB (+0,48 điểm).

Trong bối cảnh VN-Index chỉ giảm hơn 5 điểm nhưng có tới 111 mã giảm sàn, không ít nhà đầu tư có cảm giác phiên giao dịch 22/11 phải có mức giảm lên tới 50 điểm. Quả thực, tình trạng cổ phiếu giảm sàn hàng loạt mà Index giảm rất ít như hiện nay là điều hiếm khi xảy ra.

Chứng khoán Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn hiện đang gia tăng, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có xu hướng gia tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và có thể xảy ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tương tự, Chứng khoán MBS cũng khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cơ cấu danh mục, chốt lời nhóm cổ phiếu đã tăng nóng và dịch chuyển danh mục sang nắm giữ nhóm cổ phiếu trọng điểm như: Chứng khoán, Ngân hàng, Bán lẻ, Xây dựng...